Mấy ngày nay cháu thấy ở qui đầu và bao qui đầu xuất hiện những nốt màu đỏ nhỏ, cháu không ngứa, không bị đau. Cháu đã một lần quan hệ, liệu cháu có bị mắc bệnh giang mai không? Bác sĩ giúp cháu với. (Tuan)
Trả lời của Phòng mạch Online:
Chào bạn,
Triệu chứng bệnh da liễu rất đa dạng, bác sĩ phải căn cứ trên từng triệu chứng cụ thể mới chẩn đoán và điều trị đúng hướng. Tức là bác sĩ phải nhìn khám cụ thể các sang thương và hỏi các triệu chứng đi kèm các sang thương đó. Vì vậy để biết chính xác bạn bị bệnh gì, bạn nên đi khám bệnh để bác sĩ khám trực tiếp bạn ạ.
Tuy nhiên với những gì bạn mô tả thì bạn có thể yên tâm là bạn không bị bệnh giang mai.
Giang mai là bệnh lây truyền chủ yếu qua đường tình dục, do vi khuẩn xoắn Treponema pallidum gây ra. Đây là một bệnh lây nguy hiểm, quan trọng hàng thứ nhì sau AIDS.
Giang mai có thể gây ra nhiều biểu hiện và tổn thương ở khắp nơi của cơ thể tùy theo diễn tiến bệnh: da, niêm mạc, cơ, xương, nội tạng, nhất là tim mạch và thần kinh. Có dạng giang mai bẩm sinh do mẹ lây qua con trong thời gian mang thai. Diễn tiến chung của bệnh giang mai gồm có ba thời kỳ.
Giang mai thời kỳ I: thời gian ủ bệnh trung bình là ba tuần. Sau đó là biểu hiện của săng và hạch. Săng giang mai thường gặp ở bộ phận sinh dục, là vết lở tròn hay bầu dục, kích thước 0,5-2cm, giới hạn rõ và đều đặn, đáy sạch màu đỏ như thịt tươi, nền cứng và bóp không đau. Hạch xuất hiện 5-6 ngày sau khi có săng.
Giang mai thời kỳ II: trung bình 45 ngày sau khi có săng và có thể kéo dài 2-3 năm. Giang mai thời kỳ II có những biểu hiện rầm rộ về da niêm mạc, sang thương đa dạng và nông khi lành không để sẹo. Có sự biểu hiện nhiễm trùng huyết do xoắn khuẩn giang mai. Dễ lây, có dấu hiệu tổng quát như nóng sốt. Hạch luôn luôn có.
Giang mai thời kỳ III: rất trễ, thường 5, 10, 15 năm sau khi có săng. Sang thương sâu như củ, gôm ở da, cơ, xương, nội tạng nhất là tim mạch và thần kinh. Khi lành để lại sẹo và biến dạng vì tính cách hủy hoại của sang thương. Không có hạch.
Để chẩn đoán bệnh giang mai, ngoài hỏi bệnh sử, khám lâm sàng, xét nghiệm tìm xoắn khuẩn, phản ứng huyết thanh đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán.
Bệnh giang mai nếu được chữa trị sớm và đầy đủ thì kết quả rất tốt. Nhưng nếu không điều trị hoặc điều trị không đúng và không đủ thì bệnh sẽ tiến triển dễ lây lan và gây biến chứng nghiêm trọng ở nội tạng.
Phòng bệnh với tình dục an toàn và lối sống lành mạnh là quan trọng nhất.
Theo Tuổi Trẻ