Hiện nước ta có khoảng 6,5% người mù do bệnh glôcôm, là nguyên nhân gây mù lòa thứ 2 nhưng tỷ lệ phát hiện bệnh lại rất thấp. Nhiều người chỉ đến viện khi đã muộn, thị lực đã không thể cứu vãn được.
Tỷ lệ glôcôm trong một số cộng đồng dân cư chiếm tới hơn 2%. Điều đáng lưu ý, có 94% người dân không hiểu rõ hoặc mơ hồ về căn bệnh này. Vậy, bệnh glôcôm có nguy hiểm không, phát hiện như thế nào? Bài viết sau đây giúp độc giả hiểu rõ hơn về căn bệnh này.
Bệnh glôcôm là gì?
Bệnh glôcôm hay còn được gọi là thiên đầu thống được dùng để gọi một nhóm bệnh có những đặc điểm chung là nhãn áp tăng quá mức chịu đựng của mắt bình thường. Đây là một bệnh nguy hiểm của mắt, thường gây đau nhức và mất thị lực vĩnh viễn không thể hồi phục.
Bệnh glôcôm được chia làm 2 thể, thể glôcôm góc đóng (hay gặp hơn ở châu Á do mắt nhỏ, tiền phòng nông là điều kiện cho glôcôm góc đóng xuất hiện và glôcôm góc mở (gặp phổ biến hơn ở các nước châu Âu và châu Mỹ).
Thị lực bình thường.
Ai dễ mắc?
Những người trên 35 tuổi, tuổi càng cao có nguy cơ mắc bệnh glôcôm càng lớn; Những người ruột thịt của bệnh nhân glôcôm; Bệnh nhân có tiền sử dùng corticoid kéo dài, có thể dùng corticoid tra mắt hoặc toàn thân; Những bệnh nhân có bệnh toàn thân như: đái tháo đường, cao huyết áp. Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác gây bệnh glôcôm có thể gặp ở mọi lứa tuổi như chấn thương, sau viêm màng bồ đào, sử dụng các thuốc tra có chứa corticoid kéo dài…
Theo kết quả nghiên cứu của Bệnh viện Mắt TW, bệnh nhân bị glôcôm góc mở, có tiền sử tra corticoid tại mắt kéo dài chiếm 31,7%, trong đó số người trong lứa tuổi lao động (25-59) và người nghèo chiếm 63,1%. Đây là điều đáng báo động về vấn đề lạm dụng và tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt trong cộng đồng.
Cách nhận biết
Bệnh glôcôm có nhiều thể bệnh và nhiều nguyên nhân khác nhau do vậy triệu chứng biểu hiện cũng rất khác nhau tùy thể loại bệnh. Các thể bệnh góc đóng biểu hiện thường cấp tính với các triệu chứng rất điển hình, các thể góc mở thường khó nhận biết nên thường bị bỏ qua đến giai đoạn rất muộn.
Bệnh glôcôm góc đóng thường có cơn cấp điển hình như: Bệnh khởi phát đột ngột buổi chiều tối, hoặc khi bệnh nhân đang cúi xuống đọc sách, hoặc sau những sang chấn tinh thần mạnh. Với biểu hiện mắt đột ngột đau nhức dữ dội từng cơn, lan lên nửa đầu cùng bên, bệnh nhân nhìn đèn thấy có quầng xanh đỏ như cầu vồng, thường buồn nôn hoặc nôn, đau bụng, vã mồ hôi, mắt đỏ lên và nhìn mờ ở nhiều mức độ, có thể chỉ mờ như nhìn qua màn sương nhưng cũng có thể giảm thị lực trầm trọng xuống còn đếm ngón tay hoặc bóng bàn tay. Trong một vài trường hợp bệnh nhân thấy sợ ánh sáng, chảy nước mắt nhưng không tiết rử mắt, mi mắt sưng nề, mắt đỏ, giác mạc phù nề mờ đục.
Ngoài ra, có những trường hợp bị mắc bệnh glôcôm xuất hiện âm thầm, tiến triển chậm trong thời gian dài, nhiều bệnh nhân không cảm thấy đau nhức mắt, một số trường hợp đôi khi thấy mắt căng tức nhẹ thoáng qua hoặc nhìn mờ như qua 1 màn sương rồi tự hết, những triệu chứng này thường không rõ ràng nên bệnh nhân ít để ý đến.
Mắt bị glôcôm.
Phát hiện sớm tránh mù lòa
Do nguyên nhân, cơ chế bệnh vẫn còn chưa rõ ràng nên rất khó khăn trong công tác phòng bệnh. Tuy nhiên có thể phòng tránh được mù loà do glôcôm bằng cách phát hiện sớm, điều trị kịp thời và theo dõi thường xuyên. Vì vậy, khi có những triệu chứng nghi ngờ người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám mắt, đo nhãn áp và xử trí kịp thời. Đồng thời, cần khám mắt định kỳ 6 tháng/1 lần để phát hiện sớm bệnh glôcôm.
Với trường hợp đã được phát hiện và điều trị song bệnh nhân mắc bệnh glôcôm nhất thiết phải đi khám định kỳ, để các bác sĩ nhãn khoa tư vấn, theo dõi thường xuyên theo một quy trình chặt chẽ nhằm kiểm soát được diễn biến bệnh, hạn chế tối đa tổn hại về thực thể và chức năng thị giác.
Theo suckhoedoisong