Với nhiều người, đây là căn bệnh khá xa lạ. Còn bạn, bạn biết gì về nó?Lần đầu nghe đến bệnh này, có người nghĩ nó là bệnh khiến cho mắt cá lồi lên như mắt cá vàng. Người khác cho rằng nó liên quan đến bộ phận mắt cá chân. Cả hai suy đoán trên đều không đúng.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ánh Hiền, chuyên khoa Da liễu, giúp bạn hiểu rõ hơn về căn bệnh này.
Bệnh mắt cá là bệnh gì?
Đây là một bệnh dày sừng khu trú ở bàn chân. Nhìn bằng mắt, mắt cá là khối sừng nhỏ, ít khi nổi cao hơn bề mặt da, bề mặt trơn bóng hoặc bong vẩy.
Bệnh hình thành do các nguyên nhân:
– Sự xuất hiện của dị vật ở chân (dằm, đầu đinh) làm cho các tổ chức xung quanh bàn chân bị xơ hoá, hình thành mắt cá. Do đó, có thể ví von mắt cá giống như viên ngọc trai vì quá trình hình thành của chúng về cơ bản như nhau.
– Mắt cá đôi khi xuất phát từ mụn cóc ở bàn chân. Sau một thời gian bị đè nén, mụn cóc bị ấn sâu vào trong và hình thành một lớp sừng dày phía ngoài.
– Ngoài ra, thói quen đi giày quá chặt cũng có thể là nguyên nhân gây ra bệnh mắt cá.
Mắt cá không phải là chai chân
Không như ngộ nhận của nhiều người, chai chân và bệnh mắt cá là hai bệnh hoàn toàn khác nhau.
Chai chân cũng là một bệnh dày snừg khu trú ở bàn chân. Vị trí nốt chai chân cũng tương tự như mắt cá, thường xuất hiện ở những vùng bị ma sát, tỳ đè, dễ bị sang chấn như mười đầu ngón chân, gót, mu khớp bàn đốt…
Tuy nhiên, chai chân là những đám sừng dày màu ngà hoặc vàng, hơi nổi lên, hình tròn hay bầu dục , sờ vào thấy cứng nhưng không có nhân bên trong.
Trong khi đó, mắt cá gây đau khi đi lại hoặc có sự va chạm. Khi ấn vào sẽ có cảm giác đau nhói. Còn bản thân vết chai chân không gây đau. Nhưng vùng ranh giới của nốt chai chân với da lành có thể bị rạn nứt, từ đó gây bội nhiễm, đau đớn. Về cơ bản, để phân biệt bệnh mắt cá với bệnh chai chân, người ta có thể dựa vào hiện tượng bên ngoài như: bệnh mắt cá không có những đường vân trên da.
Bệnh mắt cá có thể gặp ở mọi đối tượng, không phân biệt tuổi tác, nhưng trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị mắc bệnh hơn.
Nguyên nhân: Các bé thường đi chân không khi chơi đùa nên dễ giẫm phải dằm hoặc các dị vật khác.
Những lưu ý trong khi điều trị
Mắt cá chân không có khả năng sinh sản như mụn cóc. Tuy nhiên, nếu mắt cá có nguyên nhân từ mụn cóc, nó sẽ có khả năng sinh sôi.
Khi này, nếu nhân mắt cá không được ra hết, nó sẽ tiếp tục phát triển và hình thành một mắt cá mới.
Bệnh có nhiều cách điều trị khác nhau:
– Dán axit salicylic 40% để làm tiêu sừng.
– Đốt điện hoặc đốt laser.
– Chấm Azote lỏng.
– Tiểu phẫu để lấy toàn bộ nhân mắt cá (dị vật). Đây là phương pháp triệt để nhất để điều trị bệnh mắt cá.
Sau khi phẫu thuật, bạn nên giữ vệ sinh vết mổ để tránh nhiễm trùng. Nếu bị nhiễm trùng, dùng ôxy già sát khuẩn tại chỗ và đến bệnh viện để được kiểm tra.
Để phòng ngừa tái phát, bạn có thể dùng đệm lót lên vùng bị mắt cá để làm giảm áp lực. Bạn có thể liên hệ bệnh viện có chuyên khoa Da liễu để được tư vấn và điều trị. Trường hợp bệnh không gây ảnh hưởng nhiều tới sinh hoạt, bạn có thể chưa cần phải phẫu thuật.
Theo suckhoedoisong