Phần lớn trẻ sơ sinh sau sinh (3-5 ngày) có biểu hiện. vàng da. Đây là hiện tượng sinh lý bình thường do các hồng cầu thai nhi bị phá hủy để được thay thế bằng hồng cầu trưởng thành.
Chăm sóc trẻ sơ sinh vàng da
Đa số các trường hợp vàng da sinh lý ở trẻ sơ sinh thường nhẹ và tự khỏi sau 7 – 10 ngày do chất bilirubin được đào thải qua phân và nước tiểu. Trong trường hợp vàng da nhẹ có thể được hướng dẫn điều trị tại nhà như sau:
– Tích cực cho trẻ bú mẹ vì sữa mẹ giúp đào thải nhanh chất bilirubin qua đường tiêu hóa.
– Chăm sóc rốn, chăm sóc da và vệ sinh thân thể. Giữ ấm cho trẻ.
– Tắm nắng, đặt trẻ gần cửa sổ nơi có ánh nắng dịu của mặt trời vì ánh nắng mặt trời giúp làm giảm vàng da ở trẻ sơ sinh.
– Tiếp tục theo dõi diễn tiến của vàng da hàng ngày cho đến ít nhất là 7 – 10 ngày sau sinh. Vàng da rất dễ nhận biết bằng mắt thường ở nơi có đủ ánh sáng. Vì vậy hàng ngày bà mẹ cần quan sát màu da toàn thân của trẻ ở nơi đầy đủ ánh sáng, không nên nằm phòng tối. Trong trường hợp khó nhận biết (da trẻ đỏ hồng, hoặc đen) thì ấn nhẹ ngón tay cái lên vùng da mặt trong đùi vài giây sau đó buông tay ra nếu trẻ bị vàng da sẽ thấy được màu da vàng thật sự ở nơi ấn ngón tay.
Nếu vàng da nhẹ: Da vàng nhẹ ở mặt và thân, trẻ vẫn bú tốt, xuất hiện muộn sau ngày thứ ba. Cần thực hiện chăm sóc theo hướng dẫn trên và tái khám tái khám mỗi ngày cho đến khi trẻ hết vàng da.
Nếu vàng da nặng: Da vàng sậm lan đến tay, chân, kèm theo bú kém, bỏ bú, hoặc xuất hiện sớm trong vòng 1 – 2 ngày sau sinh. Khi đó cần phải đưa trẻ nhập viện ngay. Tại bệnh viện trẻ sẽ được điều trị tích cực bằng cách:
– Chiếu đèn: Ánh sáng của đèn biến bilirubin thành chất không độc và được thải nhanh ra khỏi cơ thể qua đường tiêu hóa và đường tiểu.
– Thay máu: Lấy bớt chất bilirubin nhanh chóng ra khỏi cơ thể.
Phát hiện và xử trí đúng vàng da ở trẻ sơ sinh giúp cho trẻ khỏe mạnh và phát triển tốt về sau.
Theo suckhoedoisong