Người có lá gan to hơn người bình thường, nếu siêu âm thường có kết quả gan bị nhiễm mỡ, nếu thêm xét nghiệm máu mà men gan tăng thì chứng tỏ gan đang bị bệnh!
“Chuyên gia” xử lý chất độc
Gan là một nhà máy thải độc của cơ thể. Người uống rượu, uống thuốc… có những chất không có lợi cho cơ thể sẽ được gan chuyển hóa thành chất thải để đưa ra ngoài theo đường bài tiết.
Theo BS Nguyễn Hữu Tùng – Tổng giám đốc Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ thì gan còn tham gia quá trình ổn định nồng độ đường trong máu. Nếu lượng đường trong máu tăng, tụy tạng tiết insulin giúp gan đưa nồng độ đường trong máu về đúng chuẩn. Nếu trong máu thiếu đường, gan sẽ chuyển chất dự trữ thành đường để… máu “ngọt ngào” đủ độ cho phép để cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể. Gan còn chế tạo ra mật để tiêu hóa chất béo.
Chất đạm như thịt, cá, trứng… sau khi ăn vào sẽ được chuyển hóa thành dưỡng chất nuôi cơ thể. Nhưng quá trình này sẽ sinh ra “phế phẩm” và gan sẽ loại bỏ chúng ra khỏi cơ thể qua đường bài tiết.
Gan chứa mỡ
Thực chất, mỡ có mặt trong gan là chuyện bình thường. Nhưng sẽ bất thường khi mỡ (triglyxerid) hiện diện trong đó quá mức cho phép. Lúc này gan phình to hơn, màu vàng lợt đi. Tế bào gan làm nhiệm vụ giải độc khó khăn hơn vì mỡ ngăn đường cản lối.
Có nhiều nguyên nhân khiến gan “bó tay” để cho mỡ lấn đất giành dân như: rượu, béo phì, tiểu đường type 2, tăng mỡ máu, lao, viêm gan C mãn tính, dùng một số thuốc corticoid, thuốc chữa ung thư… Nếu nguyên nhân từ rượu thì phụ nữ dễ bị bệnh hơn nam giới, BS Nguyễn Ý Đức – Texas (Hoa Kỳ) giải thích: “Mỗi ngày tiêu thụ trên 60g rượu trong thời gian 10 năm là đủ gây ra bệnh gan nhiễm mỡ. Phụ nữ dễ bị bệnh này hơn nam giới dù chỉ dùng 1/3 số lượng rượu kể trên. Lý do là quý bà ít có loại men gan bảo vệ với sự hấp thu chất rượu ở dạ dày”.
Gan là nội tạng “to con” trong cơ thể, trọng lượng khoảng 1,4kg với khoảng 300 tỷ tế bào gan. Do “đô con” nên khả năng “hồi sức” rất nhanh, chịu đựng giỏi. Người bệnh hầu như không có triệu chứng gì, không ít người có cảm giác đau bụng âm ỉ ở hạ sườn phải, mệt mỏi, kém ăn. Nếu đi siêu âm sẽ phát hiện gan nhiễm mỡ, xét nghiệm máu có kết quả men gan tăng. Giai đoạn này, nếu có hướng điều trị, gan sẽ phục hồi.
Dù chịu đựng giỏi nhưng gan sẽ “kiệt sức” khi bị hủy 100% tế bào.
Nếu gan nhiễm mỡ không được điều trị, không thay đổi lối sống, bệnh sẽ đi vào ngõ cụt qua các giai đoạn: viêm gan, xơ gan, ung thư gan. Lúc này, bệnh nhân phải chịu đựng những cơn đau khủng khiếp, hôn mê… và chỉ sống khi được ghép gan.
Chăm sóc lá gan
Để gan khỏe mạnh, cần tiếp sức cho gan loại bỏ tế bào mỡ xâm lược bằng cách: ổn định đường huyết, cholesterol thông qua việc giảm cân, dùng chế độ ăn uống ít chất béo bão hòa (có nhiều trong mỡ bò, mỡ heo, nội tạng, gạch tôm cua…), không tự ý sử dụng thuốc. Riêng những người bị gan nhiễm mỡ do rượu thì cách tốt nhất là triệt từ gốc gây bệnh, tức là: cữ rượu. Theo BS Nguyễn Ý Đức thì chỉ cần ngưng rượu khoảng vài tuần là tình trạng nhiễm mỡ đã cải thiện. Sau đó, dinh dưỡng đầy đủ đúng cách, dùng thêm một số sinh tố nhóm B, khoáng chất (người nghiện rượu thường thiếu các chất này).
Có nhiều cách để biết “sức lực” của gan. BS Phan Thanh Hải – Trung tâm Medic cho biết: “Siêu âm tổng quát là phương thức nhanh và rẻ tiền nhất để biết gan đã nhiễm mỡ hay chưa. Xét nghiệm máu cũng cho biết tình trạng tế bào gan, nếu men gan tăng là tế bào đang… hư. Có thể nói, siêu âm và xét nghiệm máu là cặp bài trùng tìm bệnh ở gan. CT cũng biết được tình trạng gan nhưng khá tốn kém. Còn đo độ cứng của gan (cách thực hiện tương tự siêu âm, kết quả tương đương sinh thiết) cho biết độ xơ hóa của gan và sự cải thiện sau điều trị”.
Theo TNO