Rau thơm có tác dụng trợ tiêu hóa, tiêu thực, phòng ngừa đầy bụng, rối loạn tiêu hóa.
Gừng tươi: Có tác dụng ôn ấm tỳ vị, giúp tiêu hóa thức ăn, chữa kém ăn, ăn không tiêu, cảm lạnh, nôn mửa, ho có đàm, giúp giải độc cua, cá, thịt… Có thể ăn mứt gừng, gừng muối rất tốt cho hệ tiêu hóa và hô hấp. Tuy nhiên, người đang có vết loét, chảy máu thì không nên dùng.
Tỏi: Tác dụng sát khuẩn, điều hòa hệ sinh vật ở đường tiêu hóa, chữa được các bệnh nhiễm trùng đường ruột, giúp tiêu hóa tốt hơn, phòng ngừa được các bệnh đường hô hấp, tim mạch, ung thư… Mỗi lần chỉ nên ăn 1-2 tép tỏi là đủ, không nên ăn quá nhiều tỏi trong một bữa ăn. Khi bụng đang đói, nên tránh dùng các món ăn có tỏi (như nem chua, tré, rau xào tỏi…).
Hành tím, hành ta, củ kiệu: Tác dụng trợ tiêu hóa, chống viêm, ngừa cảm lạnh. Thường dùng chữa ăn uống kém, ăn uống không tiêu, đầy bụng, cảm lạnh, ngoài ra còn phòng ngừa được ung thư. Hành tím, củ kiệu làm dưa ăn rất hữu ích trong việc phòng ngừa rối loạn tiêu hóa, chống ngấy do các món ăn nhiều thịt mỡ, hạn chế tác hại của thịt mỡ đối với sức khỏe.
Rau diếp cá: Vị cay, chua, mùi hơi tanh, tính mát, có tác dụng giải nhiệt, giải độc, lợi tiểu, điều kinh. Thường dùng trong món ăn để trợ tiêu hóa, chữa các loại viêm sưng, mụn nhọt, đau mắt đỏ, lòi dom, sốt xuất huyết, trĩ ra máu, kinh nguyệt không đều, phế ung.
Nghệ vàng: Tác dụng trợ tiêu hóa, làm lợi mật, kháng khuẩn, giúp mau lên da non, chống loét dạ dày. Thường dùng để kích thích tiêu hóa, chữa một số bệnh gan mật, viêm loét dạ dày, phụ nữ sau khi sinh bị đau bụng. Dùng nghệ tươi hoặc bột nghệ khô đều được. Ngày dùng 30-40gr tươi hoặc 10-15gr bột khô.
Hẹ (cửu thái): Vị cay, hơi chua, đắng, tính ấm. Củ và lá hẹ giúp tiêu thực, trợ tiêu hóa, thường dùng chữa đầy bụng, ho (hấp với đường phèn), chữa kiết lỵ, chữa giun kim, đau họng, hen suyễn.
Tía tô: Vị cay, tính ấm, có tác dụng phát tán phong hàn, giải độc, tiêu tích, hạ khí. Thường dùng để chữa cảm cúm, nhức đầu, ho sốt, buồn nôn, ngộ độc cua cá, an thai, trừ đàm nhớt ở cổ họng.
Trong các bữa ăn của người Việt Nam, rau thơm có vai trò quan trọng trong việc điều hòa tính hàn – nhiệt của các loại thực phẩm, tiêu mùi vị khó chịu của thực phẩm, có kháng sinh thực vật đối với một số vi khuẩn, tăng cường sức đề kháng của cơ thể đối với một số bệnh tật, kích thích tiêu hóa và đem lại sự ngon miệng. Rau thơm có tác dụng trợ tiêu hóa, tiêu thực, phòng ngừa đầy bụng, rối loạn tiêu hóa.
Theo suckhoedoisong