Tư thế úp mặt khi ngủ thường tạo nên giấc ngủ không liên tục bởi ảnh hưởng đến nhịp thở và không tốt cho tim.
Bản chất của giấc ngủ là một quá trình ức chế lan khắp vỏ não và xuống cả các phần ở dưới vỏ não. Khi hoạt động của vỏ não có những điểm hưng phấn và ức chế xen kẽ nhau, hạn chế lẫn nhau, ức chế không khuếch tán, lan tỏa được thì chúng ta sẽ không ngủ được. Khi ức chế phá tan sự hạn chế của hưng phấn, khuếch tán khắp vỏ não, lan xuống phần dưới vỏ não thì sẽ tạo được giấc ngủ.
Để khắc phục tình trạng giấc ngủ không được sâu, nửa đêm hay tỉnh dậy và khó ngủ lại, chúng ta hãy tự kiểm tra xem bản thân có mắc phải một trong các thói quen dưới đây không:
– Ăn trước khi ngủ: Thói quen ăn nhẹ trước khi ngủ sẽ làm tăng lượng axít trong thực quản, gây nên chứng ợ nóng trong khi ngủ khiến chúng ta đột ngột thức giấc giữa đêm vì cơn ho.
– Thức uống nhiều cồn hay cafein: Trước khi ngủ, nếu sử dụng các loại thức uống này, khiến cơ thể có cảm giác mơ màng, trằn trọc và hay trở mình, gây khó ngủ.
– Thở bằng miệng khi ngủ: Cần nhờ người thân quan sát xem mình có thói quen này không. Nếu có và kèm theo tật ngáy thì sẽ làm tăng tình trạng mất nước dẫn đến khô, rát miệng, rát họng làm cho giấc ngủ không sâu và hay thức giấc.
– Để quạt hướng thẳng vào người khi ngủ: Thói quen này rất có hại. Quạt mạnh và trực tiếp vào cơ thể sẽ làm gia tăng tình trạng mất cân bằng nước, dễ gây khô miệng, đau rát họng, thậm chí gây viêm họng, dẫn tới không ngủ sâu, mơ màng, hay thức giấc.
– Tư thế ngủ không đúng: Thói quen ngủ úp mặt hoặc gập cong người dễ gây ra hiện tượng tức thở khi ngủ. Việc úp mặt thường tạo nên những giấc ngủ không liên tục bởi nó làm ảnh hưởng đến nhịp thở và không tốt cho tim. Gập cong người sẽ gây đau lưng, khó ngủ sâu.
– Ánh sáng phòng ngủ quá mạnh: Đây cũng là một trong các nguyên nhân khiến giấc ngủ không sâu, hay trằn trọc.
– Mở cửa sổ khi ngủ: Điều này sẽ làm gia tăng tình trạng ô nhiễm trong phòng ngủ, nhất là ở các đô thị, những chất gây dị ứng bên ngoài sẽ có cơ hội tràn vào phòng ngủ gây ảnh hưởng tới mắt, da và hơi thở, làm gián đoạn giấc ngủ.
Ngoài ra, phòng ngủ quá lạnh hoặc có mùi lạ, ban ngày ngủ quá nhiều… đều là các nguyên nhân làm cho giấc ngủ không sâu. Với những người khó ngủ, cần xem lại các yếu tố nói trên để tìm hướng khắc phục, nếu chưa có chỉ định của bác sĩ thì tuyệt đối không tự ý dùng thuốc ngủ vì sẽ rất nguy hiểm, dễ dẫn đến nghiện thuốc, lệ thuộc vào thuốc.
Theo suckhoedoisong