Chế độ ăn uống cân bằng là yếu tố quan trọng góp phần phòng bệnh tăng huyết áp cũng như các bệnh liên quan.
Chuyên gia dinh dưỡng Poonam Gokhale của Bệnh viện Hinduja ở Mumbai (Ấn Độ) phát biểu trên Healthmeup rằng, nếu bạn được chẩn đoán cao huyết áp, việc thay đổi lối sống, đặc biệt là thay đổi chế độ ăn uống là điều vô cùng cần thiết để bảo vệ tính mạng. Cũng theo tiến sĩ Gokhale, một số loại thực phẩm sau cần tránh với những người huyết áp cao.
Muối: Chúng ta thường có xu hướng tiêu thụ muối nhiều hơn yêu cầu. Tuy nhiên, chỉ cần cắt giảm lượng muối hằng ngày là có thể giảm đáng kể nguy cơ tăng huyết áp. Lượng muối ăn của mỗi người không nên vượt quá 6 gr/ngày – nếu vượt ngưỡng này, lâu ngày sẽ dẫn đến một số nguy cơ bệnh tật, đặc biệt là tăng huyết áp, tiến sĩ Gokhale cho biết. Để phòng ngừa bệnh cao huyết áp, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo cần hạn chế sử dụng các thực phẩm chế biến sẵn cũng như các loại thức ăn nhanh, vì chúng thường chứa rất nhiều muối.
Dưa chua: Để làm dưa chua, người ta thường sử dụng rất nhiều muối nhằm kéo dài thời gian sử dụng. Và dĩ nhiên vì chứa hàm lượng natri cao (natri làm co mạch máu, ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển máu đến tim, gây nên chứng cao huyết áp) nên dưa chua được xem là một trong những thủ phạm làm tăng huyết áp.
Trái cây và rau đóng hộp: Muốn hạn chế nguy cơ tăng huyết áp, cần hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm đóng hộp. Để bảo quản, các thực phẩm này thường được ngâm khá lâu trong nước muối. Vì vậy, trước khi tiêu thụ hãy chắc chắn rửa sạch chúng để làm giảm lượng natri.
Bánh: Các sản phẩm bánh đóng gói chứa nhiều chất béo bão hòa, muối, natri, bột nở. Đây là những chất có thể dẫn đến nguy cơ tăng huyết áp và béo phì.
Chất ngọt, béo: Đường và các đồ ngọt khác từ đường như kẹo, bánh ngọt cần tránh vì chúng có liên quan đến chứng béo phì nếu tiêu thụ quá nhiều. Có không ít nghiên cứu đã chứng minh những người béo phì thường bị cao huyết áp. Tiêu thụ nhiều chất béo, chất ngọt có khả năng bị béo phì, từ đó dẫn đến huyết áp cao.
Rượu: Chất cồn làm tổn thương thành động mạch dẫn đến chứng xơ cứng và hẹp động mạch hay còn được gọi là xơ cứng động mạch. Tình trạng này về lâu sẽ dẫn đến chảy máu động mạch với áp lực cao, gây tăng huyết áp.
Caffeine: Giảm tiêu thụ các sản phẩm từ cà phê hoặc một số loại nước giải khát chứa các chất kích thích có thể giảm được huyết áp. Caffeine là chất gây co mạch, tăng áp lực của dòng máu, khiến huyết áp tăng.
Theo TNO