Sưng, đau khớp là triệu chứng rất thường gặp, nó là biểu hiện của nhiều bệnh, nhưng nhiều người chỉ nghĩ là do bệnh gút.
Không chỉ người bệnh nhầm tưởng, trong thực tế cũng có không ít trường hợp chẩn đoán nhầm, dẫn đến nhiều người không khỏi bệnh. Sở dĩ có sự nhầm lẫn giữa bệnh gút và một số bệnh lý khác ở khớp là do chúng có những biểu hiện rất giống nhau. Ngược lại, có những trường hợp mắc bệnh gút thật sự nhưng vì biểu hiện không điển hình, giống như bệnh khớp khác nên bị chẩn đoán nhầm.
Viêm khớp dễ nhầm thành bệnh gút
Những bệnh lý khác có biểu hiện giông giống dễ nhầm lẫn với bệnh gút, như viêm khớp dạng thấp. Đây là bệnh mãn tính, tổn thương chủ yếu ở khớp ngoại vi, với biểu hiện của bệnh là sưng nóng đỏ ở các khớp – đặc biệt là các khớp nhỏ như khớp bàn tay, ngón tay, bàn chân. Trong đó, dấu hiệu thường gặp là cứng khớp buổi sáng và có thể kéo dài trên 1 giờ. Khi bị viêm khớp dạng thấp, người bệnh không những bị giới hạn cử động hằng ngày mà còn có thể bị tổn thương các cơ quan khác như tim, phổi. Có một số bệnh lý khác gây cứng khớp buổi sáng như thoái hóa khớp, thường không kéo dài như viêm khớp dạng thấp, chỉ khoảng dưới 30 phút. Viêm khớp dạng thấp tiến triển từ từ dẫn tới teo cơ biến dạng dính và cứng khớp.
Viêm khớp dạng thấp chủ yếu gặp ở nữ (chiếm 80%). Còn bệnh gút xảy ra chủ yếu ở nam giới (chiếm 90%). Bệnh gút có đặc trưng chính là tình trạng viêm cấp ở một khớp với tính chất di chuyển, khi viêm chuyển qua khớp khác thì khớp viêm cũ gần như bình thường. Trong khi viêm khớp dạng thấp là biểu hiện tình trạng viêm của nhiều khớp cùng một lúc, các khớp bị viêm có tính chất đối xứng, triệu chứng đau diễn ra từ từ, gây cứng khớp buổi sáng. Trong bệnh gút, đau rất dữ dội và kéo dài khoảng 3 – 5 ngày, bệnh có liên quan đến chế độ ăn nhiều chất đạm; còn viêm khớp dạng thấp cường độ đau nhẹ hơn nhưng dai dẳng, và ít liên quan tới chế độ ăn uống.
Theo TNO