Trên da có nhiều tạp khuẩn, nhiều nhất là ở các nếp kẽ, các lỗ chân lông. Khi vệ sinh kém hoặc sức đề kháng giảm, nhất là khi ngứa gãi làm xây sát da, các vi khuẩn trên tăng sinh, tăng độc tính, gây bệnh viêm da mủ.
Thủ phạm chính gây bệnh là tụ cầu khuẩn và liên cầu khuẩn. Với viêm da mủ do tụ cầu khuẩn, tổn thương thường ở nang lông với những thể bệnh chính sau:
Viêm nang lông nông: Viêm nông ở đầu lỗ chân lông. Ban đầu, lỗ chân lông hơi sưng đỏ, đau, sau đó thành mụn mủ nhỏ, quanh chân lông có quầng viêm hẹp. Vài ngày sau, mụn mủ khô, để lại một vảy tiết màu nâu sẫm. Sau cùng vảy bong đi, không để lại sẹo.
Viêm nang lông sâu: Quanh nang lông sưng tấy nhiều cụm, quanh lỗ chân lông có mụn mủ. Mụn mủ có thể rải rác hoặc tập trung thành đám đỏ, cứng cộm, gồ ghề, nặn ra mủ. Viêm nang lông sâu ở vùng cằm, gáy, vùng da đầu tiến triển dai dẳng, hay tái phát.
Để điều trị 2 thể trên, bệnh nhân phải dùng kháng sinh toàn thân từng đợt, kết hợp với các vitamin, chế độ ăn nhiều đạm làm tăng sức đề kháng của cơ thể.
Nhọt: Nếu nhọt to, số lượng nhiều thì có thể kèm theo sốt, hạch bạch huyết sưng đau. Nhọt ở lỗ tai rất đau, dân gian gọi là đằng đằng. Nhọt ở quanh miệng còn gọi là “đinh râu”, rất nguy hiểm vì có thể gây tắc tĩnh mạch, nhiễm khuẩn huyết dễ gây tử vong. Cụm đinh nhọt gặp ở gáy, lưng, mông gọi là hậu bối hay đinh hương sen, do tụ cầu vàng có độc tính rất cao gây ra, thường gặp ở người già yếu, nghiện rượu, tiểu đường, ăn uống kém. Khi nhọt vỡ mủ, có nhiều ngòi lỗ chỗ như tổ ong, có thể biến chứng nhiễm khuẩn huyết và tử vong. Nhọt bày là nhiều đinh nhọt mọc liên tiếp hết đợt này đến đợt khác dai dẳng hàng tháng. Thường gặp ở người suy nhược, giảm sức đề kháng.
Để điều trị, cần dùng kháng sinh đủ mạnh, càng sớm càng tốt (có thể cho uống, tiêm hoặc truyền tĩnh mạch). Dùng các vitamin, đạm, gama globulin để nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Tại chỗ tuyệt đối không chích nặn ở giai đoạn đang viêm tấy, chưa hóa mủ để tránh biến chứng nhiễm khuẩn huyết.
Nhọt ổ gà: Là một dạng viêm nang kèm theo viêm tuyến mồ hôi, tuyến bã ở vùng nách, tạo thành một túi mủ sâu ở bì và hạ bì. Tổn thương nổi thành cục ở vùng nách, ban đầu cứng sau mềm dần, vỡ mủ. Có thể có một hoặc nhiều nhọt ổ gà trong một hố nách. Bệnh thường tiến triển dai dẳng, hay tái phát, nhất là về mùa hè. Điều trị: dùng kháng sinh toàn thân từng đợt. Đối với tổn thương tái phát nhiều lần, có thể phải phẫu thuật.
Viêm da mủ do liên cầu khuẩn gồm các thể bệnh sau
Chốc lây: Do tụ cầu khuẩn và liên cầu khuẩn phối hợp gây bệnh. Trẻ em hay bị hơn người lớn. Vị trí hay gặp là đầu, mặt, cổ, chân tay. Bệnh rất dễ lây từ trẻ này sang trẻ khác nên có thể thành dịch ở nhà trẻ, trường học. Ở trẻ em, chốc đầu tạo thành từng đám vảy vàng sâu, dính bết tóc; dưới lớp vảy, da trợt đỏ, rớm dịch. Hạch ở vùng lân cận thường sưng đau. Bệnh có thể gây biến chứng viêm cầu thận cấp, biểu hiện bằng phù, tiểu ít, xét nghiệm có protein niệu.
Về điều trị, phải dùng kháng sinh toàn thân sớm tại chỗ. Dùng các thuốc sát trùng bôi, đắp gạc cho bong hết vảy, sau đó bôi xanh methylen 1% hoặc dùng dung dịch milian. Khi vảy tróc bong hết, có thể bôi các loại mỡ kháng sinh
Chốc loét: Tổn thương lan sâu đến trung bì. Thường gặp ở bệnh nhân suy dinh dưỡng có bệnh tiểu đường hoặc nghiện rượu. Vị trí tổn thương thường là cẳng chân, cổ chân, nhất là ở chân có giãn tĩnh mạch. Bệnh bắt đầu bằng một nốt phỏng nước hoặc phỏng mủ. Da xung quanh vết loét tím tái, tiến triển dai dẳng, lâu liền sẹo. Để điều trị, phải dùng kháng sinh nhiều đợt, kết hợp với vitamin, đạm, chiếu tia cực tím.
Hăm kẽ: Còn gọi là viêm bì thượng bì vi khuẩn; thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ em mập mạp hoặc ở người lớn béo mập, ra mồ hôi nhiều. Hăm kẽ thường thấy ở nếp cổ, kẽ bẹn, kẽ mông, kẽ sau tai, rốn. Tổn thương là các đám đỏ, trợt, rớm dịch, phía ngoài thường có viền róc da mỏng, đau rát. Điều trị bằng cách rửa sạch tổn thương bằng nước thuốc tím 1/4.000. Chấm dung dịch yarish.
Chốc mép: Thường gặp ở trẻ em. Tổn thương đơn độc hoặc kèm theo các tổn thương khác do liên cầu khuẩn. Hai kẽ mép bị nứt trợt, rớm dịch, đónẩcTy vàng dễ chảy máu, đau rát làm cho trẻ khó ăn, khó uống. Có thể lây do uống chung chén, dùng chung khăn mặt. Thường kèm theo sưng đau hạch dưới hàm. Điều trị bằng cách chấm dung dịch yarish, thuốc màu, thuốc mỡ kháng sinh.
Theo suckhoedoisong