Viêm cầu thận mạn là một căn bệnh được miêu tả trong phạm vi chứng thủy thũng (thể âm thủy) của y học cổ truyền.
Nguyên nhân là do phong hàn tà thấp gây chứng phù thũng cấp tính (dương thủy) lâu ngày vì mệt nhọc, cảm nhiễm, ăn uống không điều độ, bệnh không khỏi hay tái phát làm giảm sút công năng vận hóa thủy thấp của tỳ và công nặng khí hóa thủy thấp của thận, gây ứ đọng nước thành chứng phù thũng mạn tính (âm thủy). Xin giới thiệu một số bài thuốc chữa theo từng thể.
Thể tỳ dương hư
Người bệnh phù ít, không rõ ràng, phù ở mi mắt, sắc mặt trắng xanh, tay chân mệt mỏi, ăn kém, hay đầy bụng, phân nát, tiểu tiện ít, chất lưỡi bệu, có vết răng, chân tay lạnh, mạch hoãn. Phép chữa là ôn bổ tỳ dương, lợi niệu. Dùng một trong các bài thuốc sau:
Bài 1: ý dĩ 30g, củ mài 20g, biển đậu 20g, mã đề 20g, nhục quế 4g, gừng khô 8g, đại hồi 8g, đăng tâm 4g, đậu đỏ 20g. Sắc uống ngày 1 thang.
Đại hồi.
Bài 2: quế chi 6g, thương truật 12g, hậu phác 6g, xuyên tiêu 4g, phục linh bì 12g, trạch tả 12g, ý dĩ 16g, sa tiền 20g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 3: phụ tử chế 8g, can khương 4g, bạch truật 12g, cam thảo 4g, hậu phác 8g, mộc hương 8g, thảo quả 8g, đại phúc bì 8g, mộc qua 8g, phục linh 16g. Sắc uống ngày 1 thang.
Kế hợp châm cứu các huyệt tỳ du, túc tam lý, tam tiêu du.
Thể thận tỳ dương hư
Người bệnh phù không rõ ràng, phù ít, kéo dài (nhất là ở hai mắt cá chân), bụng trướng, nước tiểu ít, sắc mặt trắng xanh, lưỡi bệu, mệt mỏi, sợ lạnh, lưng mỏi lạnh, chân tay lạnh, mạch trầm tế. Phép chữa là ôn thận tỳ dương. Dùng một trong các bài:
Bài 1: thổ phục linh 16g, củ mài 16g, tỳ giải 16g, đại hồi 10g, nhục quế 8g, tiểu hồi 12g, mã đề 12g, đậu đỏ 20g, cỏ xước 20g, đậu đen 20g, gừng khô 6g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 2: bạch truật 12g, bạch thược 12g, bạch linh 12g, phụ tử (chế) 8g, sinh khương 6g, trạch tả 12g, sa tiền 12g, trư linh 8g, nhục quế 4g. Sắc uống ngày 1 thang.
Kết hợp châm cứu các huyệt quan nguyên, khí hải, tỳ du, túc tam lý, tam âm giao
Đậu đỏ là vị thuốc trị viêm cầu thận mạn thể tỳ dương hư.
Thể âm hư dương xung
Hay gặp ở viêm cầu thận mạn có tăng huyết áp. Người bệnh biểu hiện phù không nhiều hoặc đã hết phù, nhức đầu chóng mặt, hồi hộp đánh trống ngực, miệng khát, môi đỏ, họng khô, chất lưỡi đỏ, mạch huyền sác. Phép chữa là bình can tư âm lợi thủy. Dùng bài: câu đằng 16g, tang ký sinh 16g, cúc hoa 12g, sa sâm 12g, ngưu tất 12g, đan sâm 12g, quy bản 12g, trạch tả 12g, sa tiền tử 16g. Sắc uống ngày 1 thang.
Kết hợp châm cứu các huyệt tam âm giao, thái xung, can du, nội quan, thần môn và các huyệt tại chỗ theo chứng.
Thể viêm cầu thận mạn có tăng urê máu
Do công năng của tỳ dương và thận dương giảm sút quá nhiều nên trọc âm nghịch lên, gây chứng urê huyết cao gọi là dương hư âm nghịch. Người bệnh biểu hiện lợm giọng, buồn nôn, sắc mặt đen, đau tức ngực, bụng trướng, đại tiện lỏng, tiểu tiện ngắn, ít, chất lưỡi bệu, rêu trắng dày, mạch huyền tế, nhu tế. Phép chữa là ôn dương giáng nghịch. Dùng bài: phụ tử chế 12 – 16g, đại hoàng 12 – 16g, trần bì 8g, phục linh 12g, bạch truật 12g, hậu phác 6g, bán hạ chế 12g, sinh khương 8g, đẳng sâm 20g. Sắc uống ngày 1 thang.
Nếu đại tiện phân nát, nước tiểu trong, đau bụng, rêu lưỡi trắng trơn (trọc khí hóa hàn) thêm can khương 8g, ngô thù 8g.
Nếu nước tiểu ít, đại tiện táo, miệng hôi lở loét (trọc khí hóa nhiệt) thêm hoàng liên 12g, trúc nhự 12g, chỉ thực 12g, can khương 4g, đẳng sâm 16g, cam thảo 4g, đại táo 12g.
Nếu có hiện tượng trụy mạch, dùng Độc sâm thang hoặc bài Sinh mạch tán gồm (nhân sâm 8g, ngũ vị tử 8g, mạch môn 8g) kết hợp các vị thuốc hồi dương như phụ tử (chế) 12g, nhục quế 6g, can khương 6g. Sắc uống.
Theo suckhoedoisong