Đau, loét bao tử là bệnh lý có nhiều nguyên nhân như nhiễm trùng, stress, do chế độ ăn uống… Nhiều phương pháp truyền miệng trong dân gian cho rằng có thể “trị dứt” bệnh đau bao tử. Tuy nhiên, không phải phương pháp nào cũng đúng.
Chị Minh Oanh, ngụ quận 6, TP.HCM cho biết: “Mẹ tôi 49 tuổi, bị đau bao tử gần 5 năm. Bà cũng nghe nhiều người khuyên ăn mật ong với nghệ; thơm nướng với phèn chua vắt nước uống; chuối hột ngâm rượu… Áp dụng hết những phương pháp này, thời gian đầu mẹ tôi có đỡ đau một ít. Khi đi khám, bác sĩ vẫn nói mẹ tôi bị loét bao tử”.
Chị Oanh phân vân: “Không biết những phương pháp này có tác dụng trị đau bao tử không? Tôi có nên khuyên mẹ tiếp tục uống hay ngừng lại?”.
Hiểu thêm về bài thuốc trị đau bao tử trong dân gian
Thạc sĩ – bác sĩ Đặng Hoàng Sơn, khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM phân tích:
Nghệ không phải là thuốc trị đau bao tử mà là thuốc trị bệnh gan rất hiệu quả do nghệ có khả năng kích thích gan tạo ra mật và làm co bóp túi mật, giúp tiêu hoá nhanh thức ăn béo. Dù nghệ có tính diệt vi trùng, diệt vi nấm, làm lành vết thương ngoài da nhưng chưa ai chứng minh tác dụng đó tại lớp da lót bên trong bao tử đang bị lở hay đang bị nhiễm trùng.
Trong khi đó, nhiều công dụng của mật ong đã được chứng minh như: thuốc bổ; có khả năng làm giảm độ chua của dịch trong bao tử (làm độ acid dạ dày trở lại bình thường); có tác dụng trị bệnh gan, túi mật và một số bệnh về thần kinh; diệt được nhiều loại vi trùng.
Vì vậy, nhờ các tác dụng nói trên mà con người kết hợp mật ong với nghệ để điều trị loét bao tử. Dù thực tế hỗn hợp này có làm dịu các triệu chứng đau bao tử nhưng hiện nay chưa ai chứng minh được nó có thể chữa dứt bệnh bao tử.
Về bài thuốc thơm, bác sĩ Sơn nhận định: thơm chứa nhiều acid và men tiêu hoá bromelin có tác dụng tiêu hoá chất thịt rất mạnh (làm tiêu protein ở mô chết nhưng không ảnh hưởng đế mô lành) và khả năng chịu được nhiệt. Bromelin có khả năng làm lành vết loét, chống viêm, giảm phù nề và giảm tụ huyết. Việc này giải thích vì sao nhiều người dùng thơm thường thấy vừa rát miệng, xót bao tử nhưng lại cũng vừa làm giảm triệu chứng đau bao tử sau đó.
Phèn chua là chất có thể làm se lớp da láng (niêm mạc) lót bên trong các tạng phủ có tác dụng kết tủa chất thịt tạo thành một lớp mỏng bảo vệ bề mặt. Có lẽ vì vậy, vết loét bao tử đỡ bị chất chua dạ dày kích ứng gây đau.
Riêng về chuối hột, bác sĩ Sơn cũng khẳng định đến nay khoa học chỉ mới xác nhận khả năng trợ giúp tiêu hoá chứ chưa hề có nghiên cứu trên bệnh loét bao tử.
Chỉ là phương pháp dựa trên kinh nghiệm bản thân
Có nhiều nguyên nhân gây loét bao tử
– Nhiễm trùng (vi trùng Helicobacter pylori nằm ẩn sâu dưới lớp da láng lót trong bao tử) không gây loét bao tử nhưng làm yếu lớp da này, không còn khả năng bảo vệ bao tử và các yếu tố khác tấn công gây loét. Khi vi trùng này nằm lâu được ở đó có nghĩa là sức đề kháng (hay hệ miễn dịch) của cơ thể kém, không diệt nổi nó.
– Stress (căng thẳng trí óc, buồn rầu bực dọc, tức tối, lo nghĩ thường xuyên không phải nguyên nhân gây loét bao tử nhưng lại là một yếu tố quan trọng làm giảm sức đề kháng, tăng chất chua bao tử, gây loét. Chế độ làm việc ngồi một chỗ, lại thêm căng thẳng trí óc phối hợp nhau rất dễ gây loét bao tử.
– Cách ăn uống (thức ăn cay nóng không gây loét bao tử, chỉ có thức ăn quá chua mới gây loét bao tử. Nói chung, ăn thiên lệch thái quá, bỏ bữa, ăn không đúng giờ, ăn không nhai kỹ,… là những yếu tố gây loét bao tử.
Thuốc chống viêm loại corticoid hoặc không phải corticoid, rượu và nhiều hoá chất khác bào mòn lớp da láng lót trong bao tử. Khói thuốc lá (ngay cả hít nhằm khói thuốc lá do người khác hút) làm tăng chất chua bao tử và co thắt mạch máu nuôi vách bao tử khiến cho lượng máu đến giảm, làm giảm khả năng đề kháng và khả năng tự làm lành vết thương trong bao tử.
Chuyên gia này cũng nhận định: “Dù các phương pháp kể trên, thực tế cũng như kinh nghiệm của cá nhân tôi, có thể làm dịu các triệu chứng bệnh nhưng cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu khoa học nghiêm túc nào chứng minh chúng có tác dụng điều trị dứt chứng loét hay đau bao tử”.
Ông cũng cho rằng, loét bao tử có rất nhiều nguyên nhân khác nhau, có nguyên nhân do bao tử nhưng cũng có nhiều nguyên nhân không phải ở bao tử. Muốn trị dứt bệnh cần giải quyết cho được nguyên nhân chứ không chỉ chăm chăm “đau đâu trị đó”.
Theo PNO